Nghi Thức Truyền Thống




Theo quan niệm dân gian thì cưới xin là một nghi thức lớn và quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người, đồng thời nó cũng thể hiện nét văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia. Ngày nay, tục lệ cưới xin đã có phần đơn giản, nhanh gọn và tiết kiệm hơn nhiều, nhưng không vì thế mà mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc...
Theo các phong tục ngày xưa, nghi lễ trong cưới hỏi phải gồm đủ sáu lễ. Đó là lễ "Nạp thái" (người mai mối đem ý định kết sui gia của nhà trai đến thưa chuyện với nhà gái). Lễ tiếp theo là "Vấn danh" (hỏi tên tuổi cô gái, cốt để nhờ thầy xem tuổi hai người xung hay hạp). Lễ thứ ba là "Nạp cát" (đưa tin vui, tức là tin về sự hợp tuổi, hai gia đình có thể tiến tới việc hôn nhân). Lễ thứ tư là "Nạp trưng" (nạp những lễ vật cần thiết đối với nhà gái). Lễ thứ năm là "Thỉnh kỳ" (nhà trai xin ngày cử hành hôn lễ) và lễ cuối cùng là "Thân nghing" (đón dâu). Nhưng ngày nay, chúng ta đã giản lược chỉ còn ba lễ chính: Chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới.

1. Lễ chạm ngõ (xem mặt, dạm ngõ) Đây là một lễ nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ chạm ngõ ngày nay không còn theo lối xưa, mà chỉ là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tự do đi lại, tiếp tục quá trình tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mai mối và cũng không cần lễ vật rườm rà. Sau lễ chạm ngõ, người con gái được xem như đã có nơi có chốn.Về bản chất, lễ này chỉ là một ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình có thể biết rõ về nhau hơn (về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ vật của lễ chạm ngõ theo truyền thống rất đơn giản: chỉ có trầu cau.Xét về mặt chức năng: nếu bỏ qua lễ này mà đi thẳng vào lễ ăn hỏi thì mọi việc sẽ bị cảm thấy đường đột, ngang tắt, không có khởi đầu. Vì thế, tuy không phải là một lễ trọng nhưng lại là một lễ không thể thiếu trong tiến trình hôn lễ. Hơn nữa, lễ này không tốn kém (lễ vật chỉ có trầu cau) mà lại biểu thị được bản sắc văn hóa dân tộc thì việc bỏ qua là điều không hợp lý.

2. Lễ ăn hỏi Có thể nói, lễ ăn hỏi là một thông báo chính thức về sự kết giao của hai gia đình và hai họ. Nó đánh dấu một chuyển đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: Cô gái được hỏi đã chính thức trở thành vợ chưa cưới của chàng trai đi hỏi.Ngày nay, về hình thức lễ này vẫn giữ tên là lễ ăn hỏi, nhưng trên thực tế, nó đã bao hàm cả lễ dẫn cưới. Chính vì thế, mô hình lễ ăn hỏi ngày nay phải phản ánh được sự thay đổi ấy, nói cách khác, trong các nghi thức ở lễ ăn hỏi ngày nay phải có cả những nghi thức của lễ dẫn cưới.Lễ vật của lễ ăn hỏi thường là: cau tươi, bánh cốm, chè, rượu, bánh xu xê (phu thê), phong bì tiền… - những lễ vật tối thiểu theo tục lệ cổ truyền. Ý nghĩa của lễ vật dẫn cưới có thể hiểu là để thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái. Nói theo cách xưa là: nhà trai bỗng dưng được thêm người, còn nhà gái thì ngược lại. Mặt khác, lễ vật cũng biểu thị được sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai. Trong một chừng mực nào đó, đồ dẫn cưới cũng thể hiện được thiện ý của nhà trai: xin đóng góp một phần vật chất để nhà gái giảm bớt chi phí xung quanh hôn sự.

3. Lễ cưới Lễ cưới là đỉnh điểm của cả quy trình tiến tới hôn nhân, là hình thức liên hoan, báo hỉ mừng cô dâu, chú rể, mừng hai gia đình, nên có ý nghĩa rất thiêng liêng. Do đó, cả xưa và nay, mọi người đều rất coi trọng. Đây cũng chính là nghi lễ được dư luận xã hội quan tâm nhiều hơn cả. Lễ cưới chỉ được tổ chức sau khi đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Trước đây, người ta gọi lễ này là lễ rước dâu. Ngày nay, trong ngôn từ của đời sống thường ngày, người ta gọi lễ này là lễ cưới (dịch theo tiếng Hán là hôn lễ). Ý nghĩa của lễ này là: Công bố sự thành hôn của đôi trai gái (còn được gọi là lễ Thành hôn). Lễ cưới bao gồm các nghi thức sau:- Lễ xin dâu: Trước giờ đón dâu, mẹ chú rể sẽ cùng một người thân trong gia đình đến nhà gái đem cơi trầu, chai rượu để báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến, nhà gái yên tâm chuẩn bị đón tiếp. - Lễ rước dâu: Dù đoàn rước dâu của nhà trai có đi bằng phương tiện gì chăng nữa thì trước khi vào nhà gái cũng phải “chấn chỉnh đội hình”. Thông thường, đi đầu là đại diện nhà trai (là người khéo ăn, khéo nói, có vị thế xã hội); tiếp đến là bố chú rể, chú rể và bạn bè (ở Việt, mẹ chồng thường không đi cùng để đón con dâu). Đoàn rước dâu cũng không cần đông người lắm, vì nếu đông quá nhà gái có thể sẽ không đủ chỗ tiếp; và quan trọng hơn là tạo điều kiện để nhà gái không bị động, không bị bất ngờ trong khi nghênh tiếp.Sau khi đã vào nhà gái, nhà trai được mời an tọa. Hai bên giới thiệu nhau, sau một tuần trà, đại diện nhà trai đứng dậy có vài lời với nhà gái xin chính thức được rước cô dâu về. Khi được “các cụ” cho phép, thì chú rể mới được vào phòng trong để trao hoa cho cô dâu, cùng cô dâu đến trước bàn thờ thắp nén hương rồi ra chào bố mẹ, họ hàng hai bên. Cha mẹ cô dâu dặn dò đôi vợ chồng trẻ về cách sống, về tình yêu thương, về đạo lý vợ chồng. Sau đó, vị đại diện nhà trai sẽ đáp lời thay chú rể và xin rước dâu lên xe. Nhà gái sẽ cùng theo xe hoa về nhà trai dự tiệc cưới. Về đến nhà trai, việc đầu tiên là cô dâu và chú rể được cha mẹ dẫn đến bàn thờ để thắp hương yết tổ (lễ gia tiên), rồi chào họ hàng bên chồng. Sau đó, cô dâu được dẫn vào phòng cưới, ngồi lên chiếc giường cưới do một người được nhà trai chọn sẵn (mắn con) trải chiếu. Cuối cùng, nhà trai mời nhà gái và tất cả những người cùng tham dự tiệc cưới…