Ý Nghĩa Lễ Cưới

Trong cuộc sống, ngày xưa cũng như ngày nay, đám cưới chính là biểu hiện của nếp sống xã hội, của nền vǎn hoá dân tộc. Nó vừa kế thừa truyền thống phong tục, tập quán của dân tộc, vừa được cách tân ngày càng vǎn minh theo sự phát triển của thời đại. Trong các đám cưới không thể thiếu trầu cau. Nó tượng trưng cho sự gắn bó bền chặt của tình anh em cũng như lòng chung thuỷ sắt son trong tình cảm vợ chồng. Cũng từ đó, trầu cau mang ý nghĩa " Miếng trầu là đầu câu chuyện". Bên cạnh đó là rượu, gạo, thịt, bánh trái là sản phẩm đặc trưng cua nền vǎn minh nông nghiệp lúa nước. Mỗi thứ như vậy đều có ý nghĩa nhất định trong vǎn hoá cổ truyền Việt Nam. Trong ngày cưới, chẳng những cô dâu, chú rể, hai bên cha mẹ hoan hỉ mà cả họ hàng nội ngoại, bạn bè, làng xóm đều hân hoan chúc mừng hạnh phúc lứa đôi.Có thể khẳng định rằng, từ lâu, việc tổ chức lễ cưới đã là một phong tục không thể thiếu trong cuộc sống cộng đồng, mà ý nghĩa xã hội của nó thể hiện ở nhiều khía cạnh: kinh tế, xã hội, đạo đức, vǎn hoá. Lễ cưới thường là sự ghi nhận quá trình trưởng thành của đôi thanh niên nam nữ, sau quá trình tìm hiểu. Nó khẳng định xã hội đã thừa nhận một tình yêu. Hôn nhân là sự thống nhất giữa tình yêu và trách nhiệm giữa hai người. Hôn nhân không được xây dựng trên cơ sở của tình yêu là hôn nhân không có đạo đức. Lễ cưới là sự công bố trước dư luận xã hội sau quá trình hoàn thành thủ tục đǎng ký kết hôn. Sự ra đời của một gia đình mới có một ý nghĩa rất quan trọng đối với xã hội. Lễ cưới còn là sự họp mặt của hai họ và bạn bè thân thích để mừng cho hạnh phúc lứa đôi. Đến với đám cưới, con người có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, làm quen với nhau, tǎng cường giao tiếp, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Đến với đám cưới là đến với một sinh hoạt vǎn hoá lành mạnh không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người và cả cộng đồng. Một số lễ thức trong cưới xin xét ở khía cạnh nào đó cũng thể hiện được ý nghĩa nhất định. Lễ gia tiên, lễ hợp cẩn, lễ lại mặt bộ lộ truyền thống luân lý đạo đức như hiếu đễ với tổ tiên, trân trọng tình cảm vợ chồng, có trách nhiệm với làng xóm quê hương. Hình ảnh cô dâu duyên dáng trong tà áo dài truyền thống của những đám cưới xưa vẫn luôn được mọi người ca ngợi và trân trọng. Nó thể hiện được tính dân tộc của phong tục Việt nam. Và cũng trong hôn lễ, sự chân thành, sâu sắc của tình yêu đôi lứa được thể hiện qua các tục lệ cổ truyền. Đó là lời khẩn nguyện (lễ thề nguyền) của cô dâu chú rể trước gia tiên hai họ, kèm theo là sự trao kỷ vật như trao nhẫn cưới, hứa hẹn ǎn ở với nhau cho đến "mãn chiều xế bóng"... Tất cả đều nhằm đánh dấu một sự chín muồi của tình yêu để dẫn tới hôn nhân.
1. Chạm ngõ ( ngày xưa được gọi là Lễ vấn danh)“Chạm ngõ” (hay lễ “Dạm”) là cái lễ đầu tiên nhà trai mang đến nhà gái nhằm tìm chỗ đi lại, hỏi rõ tên tuổi người con gái (vấn danh) . Người ta hỏi tuổi người con gái rồi đối chiếu với tuổi người con trai xem có “hoà hợp” hay “xung khắc”. Đây là một việc làm mà người xưa rất coi trọng cũng như việc xem xét gia đình hai bên có “Môn đăng hộ đối” hay không để quyết định có hay không việc thành thân cho đôi lứa sau này. Trong khi “Công, dung, ngôn, hạnh” lại là tiêu chuẩn hàng đầu, cái cần nhất khi nhìn nhận một người con gái thì các gia đình có nền nếp bao giờ cũng quan tâm. Ngày nay, lễ “Chạm ngõ” vẫn được xem như một thủ tục cần thiết, không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi. Đây là dịp để hai gia đình “Chỗ người lớn” chính thức gặp nhau. Nhà trai ngỏ lời xin phép nhà gái cho “bọn trẻ” được công khai đi lại, tìm hiểu nhau. Người ta vẫn giữ nếp chọn ngày, giờ đẹp (thường là ngày hoàng đạo) cho công việc quan trọng này.
2. Thách cưới
Thách cưới là một lệ tục lạc hậu rơi rớt lại, trói buộc cả nhà trai lẫn nhà gái. Có khi làm cho chàng rể phải bỏ cuộc mà nỗi thiệt thòi nhất lại rơi vào thân phận người con gái, dẫu sao cũng mang tiếng một đời chồng, làm cho những chàng trai khác phải ngại, xui nên phận hẩm duyên hiu. Ngày nay, tục thách cưới gần như đã không còn nữa, mà đó chỉ còn là một thủ tục để nhà trai tỏ lòng tôn trọng nhà gái. Cho nên trước khi ăn hỏi, nhà trai đến nhà gái xin ý kiến về vấn đề này, thường thì nhà gái không nêu yêu cầu cụ thể mà nói “Tuỳ thuộc vào nhà trai“, âu cũng là nét đẹp văn hoá thể hiện tình cảm và mối giao hoà giữa nhà trai và nhà gái.
3. Ăn hỏi
Đồ lễ ăn hỏi có rất nhiều thứ tuy nhiên nó tuỳ thuộc vào mỗi gia cảnh. Ví dụ như bánh cốm, bánh su sê, chè, thuốc lá, rượu, hạt sen, trầu cau, ... có gia đình còn có lợn sữa quay. Lễ vật nhiều, ít cũng như đã nói ở trên nhưng không thể thiếu bánh “Su sê”, nguyên xưa gọi là bánh “Phu thê”, một số địa phương nói chệch thành bánh “Su sê”. Sở dĩ gọi là bánh “Phu thê” (chồng vợ) vì đó là biểu tượng của đôi vợ chồng phận đẹp duyên ưa: Ngoài thì vuông tròn, trong lại mềm dẻo, ngọt ngào, thơm tho, xanh thắm. Bánh cũng là biểu tượng của đất trời (trời tròn, đất vuông) có âm dưng ngũ hành: ruột trắng, nhân vàng, hai vỏ xanh úp lại buộc bằng sợi dây hồng.
4. Lễ xin dâu có ý nghĩa gì?
Lễ này rất đơn giản: Trước giờ đón dâu nhà trai cử một hoặc hai người thường là bà bác, bà cô, bà chị của chú rể đưa một cơi trầu, một be rượu đến xin dâu, báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến, để nhà gái sẵn sàng đón tiếp. Trường hợp hai gia đình cách nhau quá xa hoặc quá gần, hai gia đình có thể thỏa thuận với nhau miễn bớt lễ này hoặc nhập lễ xin dâu và đón dâu làm một. Cách nhập lễ xin dâu và đón dâu tiến hành như sau: Khi đoàn đón dâu đến ngõ nhà gái, đoàn dừng lại chỉnh đốn trang y, sắp xếp lại thứ tự ai đi trước, ai đi sau, trong khi đó một cụ già đi đầu họ cùng một người đội lễ (một mâm quả trong đó đựng trầu, cau, rượu...) vào trước đặt lên bàn thờ, thắp hương vái rồi trở ra đưa đoàn vào làm lễ chính thức đón dâu. Lễ này tiến hành rất nhanh. Thông thường nhà gái vái chào đáp lễ xong, chủ động xin miễn lễ rồi một vị huynh trưởng cùng ra luôn để đón đoàn nhà trai vào.
5. Tổ chức lễ cưới (thường là cùng với tiệc cưới)
Ngày nay, các đám cưới đã bắt đầu tổ chức với phong cách mới với hình thức tiệc trà theo nếp sống mới, hay tiệc đứng, tiệc mặn. Tiệc cưới là buổi tiệc của gia đình tổ chức để mời họ hàng, bè bạn, người thân đến để chung vui đồng thời là lễ ra mắt của cô dâu, chú rể đối với họ hàng, bạn bè và người thân của họ. Bữa tiệc này thường được tổ chức rất trang trọng. Tiệc cưới được nhà trai và nhà gái tổ chức riêng hay chung tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và sự lựa chọn của chính họ.
6. Lễ lại mặt có ý nghĩa gì?Lễ thành hôn, tơ hồng, hợp cẩn xong xuôi, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên, ông bà cha mẹ, đi chào họ hàng thân nhân bên nhà gái. Sau đó đón bố mẹ và thân nhân sang nhà con rể chơi. Kể từ buổi đó, bố mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà chú rể và nhà thông gia, vì trong lễ cưới, mẹ cô dâu (có nơi cả bố) không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau ngày cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ) tuỳ theo khoảng cách xa gần và hoàn cảnh cụ thể mà định ngày. Thành phần chủ khách rất hẹp, chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình.
Trường hợp hai nhà xa xôi cách trở, ông già bà lão thì nên miễn cho nhau, cô dâu chú rể nếu bận công tác cũng nên được miễn thứ. Nếu điều kiện cho phép thì nên duy trì vì lễ này mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp: Nhắc nhủ con đạo hiếu, biết tạ ơn sinh thành, coi bố mẹ vợ cũng như bố mẹ mình. Thắt chặt và mở rộng mối quan hệ thông gia, họ hàng ngay từ buổi đầu, tình cảm được nhân đôi. Hai gia đình cùng trao đổi rút kinh nghiệm về việc tổ chức hôn lễ và bàn bạc về trách nhiệm của hai bên bố mẹ trong việc tác thành cuộc sống cho đôi trẻ trong tương lai.